Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Trà Việt Nam - Nâng tầm thương hiệu, chắp cánh bay xa

Phỏng vấn đồng chí Ma Thị Nguyệt, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Tổ chức Festival Trà Thái Nguyên, Việt Nam lần thứ hai, năm 2013 trên đặc san Trà Việt.
Phóng viên: Thưa đồng chí! Xin đồng chí cho biết mục đích, ý nghĩa của Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ 2 năm 2013 là gì?
 
Đồng chí Ma Thị Nguyệt, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Festival Trà Thái Nguyên, Việt Nam lần thứ hai, năm 2013
Đồng chí Ma Thị Nguyệt: Như chúng ta đều biết, tỉnh Thái Nguyên là nơi hội tụ nền văn hóa của các dân tộc miền núi phía Bắc và là cửa ngõ giao lưu kinh tế giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ. Thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng đất Thái Nguyên thổ nhưỡng, khí hậu, chất đất, nguồn nước phù hợp để phát triển cây chè. Cùng với đó, nhờ đôi bàn tay khéo léo của những người dân Thái Nguyên, đã tạo nên một sản phẩm trà phong phú về chủng loại có hương thơm, vị đượm, ngọt chát rất đặc trưng riêng có, khiến cho ngay cả người sành chè nhất và thị trường khó tính nhất cũng đều hài lòng. Với diện tích gần 20.000 ha trồng chè, Thái Nguyên là tỉnh có năng suất và sản lượng chè cao nhất cả nước, hàng năm sản lượng chè búp tươi đạt khoảng 185.000 tấn, tương ứng với khoảng 37.000 tấn chè búp khô, trong đó gần 8.000 tấn được xuất khẩu sang các nước trên thế giới như: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Srilanca, Nhật Bản, Pakistan … Chè Thái Nguyên cũng có mặt ở thị trường của trên 50 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Với những điều kiện thuận lợi và thế mạnh của địa phương; đồng thời để bảo tồn, tôn vinh, tuyên truyền các giá trị đặc sắc của văn hóa trà Thái Nguyên cũng như văn hóa trà của người Việt; ngày 22/01/2013 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên tại Quyết định số 203/QĐ-TTg, trong đó Festival Trà Thái Nguyên sẽ được tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần. Đây là niềm vinh dự, phấn khởi cũng là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên.
 Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ hai, năm 2013 với chủ đề “Trà Việt Nam - nâng tầm thương hiệu, chắp cánh bay xa” được tổ chức trên cơ sở kế thừa, phát huy những kết quả đạt được sau Liên hoan Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ nhất, năm 2011; đồng thời tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh đối với cây chè và sản phẩm trà, giới thiệu, quảng bá, tôn vinh cây chè, các sản phẩm và văn hóa trà Thái Nguyên nói riêng, trà Việt Nam nói chung. Các hoạt động của Festival Trà hướng tới việc quảng bá sản phẩm; xây dựng, quảng bá thương hiệu, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển ngành chè; các hoạt động văn hóa tại Festival gắn liền với hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh của người trồng chè, các làng nghề, các doanh nghiệp trong ngành chè - Đó chính là mục đích, ý nghĩa của Festival trà Thái Nguyên Việt Nam lần thứ 2, năm 2013.    
Phóng viên: Vậy đâu là nét đặc trưng cơ bản của Festival Trà Thái Nguyên Việt Nam 2013 tạo nên bản sắc văn hóa Thái Nguyên cũng như bản sắc văn hóa trà Thái Nguyên sẽ được lưu giữ và duy trì trong tất cả các Festival Trà Thái Nguyên, thưa đồng chí?
 Đồng chí Ma Thị Nguyệt: Trên cơ sở kế thừa, phát huy những kết quả đạt được sau Liên hoan Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ nhất, năm 2011; đồng thời tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, các hoạt động của Festival Trà năm 2013 có nội dung và hình thức mang tính chiều sâu, hướng tới việc Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên; quảng bá sản phẩm; quảng bá thương hiệu; đẩy mạnh sản xuất, chế biến, kinh doanh; xúc tiến đầu tư phát triển ngành chè. Do đó bên cạnh các hoạt động mang tính nghệ thuật, tái hiện vẻ đẹp của các vùng chè, tôn vinh người trồng và chế biến chè, Ban Tổ chức còn chú trọng việc tổ chức các hoạt động nhằm giới thiệu về sản phẩm Trà và xúc tiến đầu tư phát triển ngành chè.
Cụ thể là hoạt động Lễ hội văn hóa Trà, với nhiều hoạt động nghệ thuật mang tính đặc trưng, riêng có, mang đậm bản sắc văn hóa vùng Việt Bắc với sự tham gia của không chỉ các nghệ sỹ, diễn viên chuyên nghiệp mà còn có sự vào cuộc của nhiều nghệ nhân, người trồng chè và các vùng chè trong tỉnh, trong nước và quốc tế, một hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng cao... sẽ là một điểm nhấn thú vị cho du khách khi tham gia Festival. Cùng với đó là Hội thảo khoa học về Trà Thái Nguyên với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh chè.... Nội dung cuộc hội thảo sẽ xoay quanh các vấn đề khoa học về cây chè và Trà đối với đời sống xã hội, hướng phát triển nâng cao chất lượng của cây chè và sản phẩm trà; trao đổi kinh nghiệm trồng chế biến, kinh doanh chè; xúc tiến giới thiệu các sản phẩm mới.... góp phần nâng tầm thương hiệu của trà Việt đối với thị trường trong nước và thế giới. Đây sẽ là cơ hội cho những ai thực sự quan tâm đến chất lượng trà Thái Nguyên, mong muốn nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng của sản phẩm Trà Thái Nguyên, nâng cao uy tín thương hiệu Trà Thái có dịp tiếp cận với những nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà kinh tế...
Đó chính là những hoạt động mang tính bản sắc đặc trưng riêng có của Festival Trà Thái Nguyên sẽ được duy trì trong các kỳ Festival tới. Những nội dung hoạt động này sẽ được nghiên cứu để ngày càng có chiều sâu, mang đậm bản sắc văn hóa đồng thời có ý nghĩa thiết thực trong việc quảng bá văn hóa, nâng tầm thương hiệu cho Trà Thái Nguyên nói riêng và Trà Việt nói chung.
Đồng chí Ma Thị Nguyệt kiểm tra công tác chuẩn bị cho Festival lần thứ hai, năm 2013
Phóng viên: Cùng với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, một trong những mục đích chính được Ban Tổ chức Festival hướng tới là: Nâng tầm thương hiệu - chắp cánh bay xa cho Trà Thái Nguyên, vậy định hướng và những việc làm cụ thể để nâng tầm thương hiệu Trà Thái Nguyên ở đây là gì, đặc biệt là sau khi diễn ra Festival, thưa đồng chí?
Đồng chí Ma Thị Nguyệt: Thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của trà Thái Nguyên, cùng với việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, du lịch liên quan đến trà, UBND tỉnh Thái Nguyên sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, địa phương, đơn vị thực hiện việc bảo tồn và phát triển các vùng chè, làng chè truyền thống nổi tiếng gắn với phương thức sản xuất cổ truyền như: Tân Cương, La Bằng, Khe Cốc, Trại Cài, Sông Cầu; đồng thời quy hoạch lại các vùng trồng chè để nâng cao năng suất, chất lượng và tính an toàn của nguyên liệu chè búp tươi.
Tỉnh sẽ tiến hành các bước để hướng tới xây dựng một thương hiệu chung cho Trà Thái Nguyên để đảm bảo tính thống nhất trong quá trình phát triển, thiết lập hệ thống quản lý nhãn hiệu tập thể ngay từ đầu, khắc phục tình trạng tự sản tự tiêu, mạnh ai nấy làm như hiện nay; giúp cho người làm chè có điều kiện tiếp cận với khoa học kỹ thuật tiên tiến, hệ thống máy móc sản xuất hiện đại, đảm bảo uy tín chất lượng đầu ra một cách ổn định. Cùng với đó UBND tỉnh sẽ chỉ đạo việc tổ chức các hội thảo khoa học về chè và sản phẩm Trà, để người làm chè có điều kiện tiếp cận nhanh hơn với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong việc trồng và chế biến chè; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, có cách tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước một cách chuyên nghiệp hơn để Trà Thái Nguyên nâng cao được giá trị trên thị trường trong nước và quốc tế.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!


Nguồn: thainguyen.gov.vn
Tác giả: Thu Hà (thực hiện)

1 nhận xét:

  1. Thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng đất Thái Nguyên thổ nhưỡng, khí hậu, chất đất, nguồn nước phù hợp để phát triển cây chè thái nguyên. Cùng với đó, nhờ đôi bàn tay khéo léo của những người dân Thái Nguyên, đã tạo nên một sản phẩm che thai nguyen phong phú về chủng loại có hương thơm, vị đượm, ngọt chát rất đặc trưng riêng có, tạo nét độc đáo riêng cho sự phát triển thương hiệu của ngành nong nghiep

    tỉnh

    Trả lờiXóa