Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

Phúc Thuận: Vùng nguyên liệu chè đặc sản cần được quan tâm hỗ trợ

Từ ngã 4 thị trấn Ba hàng, chạy dọc theo tuyến đường liên huyện 261 khoảng 12km là đến xã Phúc Thuận; một vùng chè đầy tiềm năng nằm ở phía Tây của Huyện Phổ Yên, trong những năm gần đây với chính sách hỗ trợ, khuyến nông, miền đất này đang khơi dậy khả năng tiềm tàng vốn có.
Điều kiện về khí hậu và thổ nhưỡng của vùng chè Phúc Thuận cũng khá tương đồng với vùng chè Tân Cương, tính đường chim bay chỉ khoảng chừng 5km. Tại đây có những đồi chè, vườn chè cao sản, những vườn chè lai cho năng suất cao và chất lượng tốt, hội tụ đủ các yếu tố đảm bảo phát triển bền vững cho một vùng chè đặc sản của huyện Phổ Yên.

Vùng nguyên liệu chè Phúc Thuận
 Cây chè đã có mặt trên đất Phúc thuận từ rất lâu, ngay từ thập niên 50 của thế kỷ XX, chè đã được trồng, sản xuất, chế biến ở nông trường Bắc Sơn; khi đó nông trường có xưởng chế biến và toàn bộ sản phẩm do Bộ Nông nghiệp bao tiêu xuất sang Liên Xô và các nước Đông Âu, nhưng diện tích chè chỉ có 100 ha. Những năm sau đó cây chè đã phát triển sang xã Phúc Thuận, song cũng không nhiều bởi cơ chế bao cấp, sản phẩm chè không có lối ra; đến thập nên 90 thực hiện đổi mới xoá bỏ cơ chế cũ, đất và rừng được giao đến người lao động, cây chè đã thực sự bước vào chặng đường phát triển mạnh cả ở xã Phúc Thuận, Bắc Sơn, Minh Đức rồi đến Phúc Tân và Thành Công; mười năm sau đó cây chè trở thành cây trồng chủ lực giải quyết việc làm cho hàng ngàn người và giữ vai trò chủ đạo, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của cả vùng.
Thời gian gần đây sản phẩm chè Phúc Thuận được nhiều người trong nước và Quốc tế biết đến với nhãn hiệu trà Oloong của Công ty chè Vạn Tài có dây chuyền sản xuất chè tại xã Phúc Thuận; từ nguồn nguyên liệu chè tươi tại chỗ được chế biến với dây chuyền công nghệ hiện đại của Đài Loan đã đem lại một sản phẩm đặc trưng có giá trị kinh tế cao cho cây chè nơi đây. Năm 2011, toàn xã Phúc Thuận có diện tích trồng chè là 556ha (chiếm 3,15% diện tích toàn tỉnh), trong đó 434 ha đang cho thu hoạch, sản lượng trà khô đạt 1.293 tấn (chiếm 3,76% sản lượng toàn tỉnh); tại Nghị quyết Đảng bộ xã lần thứ XIII, phấn đấu đến 2015 tổng diện tích trồng chè toàn xã là 600ha cho thu hoạch, trong đó có 50% diện tích là giống chè mới cho năng xuất cao, chất lượng tốt. Hiện nay người dân chuyển từ chè hạt sang trồng các giống chè lai LDP1, Kim tuyên, Phúc vân tiên, chè Bát Tiên... Người trồng chè đã nhận ra cùng một diện tích thì chè lai (LDP1), cho sản lượng và giá trị kinh tế gấp 1,5 lần chè trung du lá nhỏ.
Cây chè đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của xã Phúc Thuận, trước đây chè là cây xóa đói giảm nghèo thì nay đã dần trở thành cây làm giầu của người dân nơi đây. Năm 2011, Huyện Phổ Yên sẽ trồng mới 170ha chè cành giống mới, trong đó Phúc Thuận trồng mới 62,5ha; tại xã Phúc Thuận có 2 vườn chè giâm đảm bảo cung cấp 280 vạn hom các giống chè mới như: LDP1, Kim tuyên, Phúc vân tiên.
Gian hàng của Làng nghề Chè Đức Phú, tại Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất                                                                               Thái Nguyên - Việt Nam 2011
        Xã Phúc Thuận còn được biết đến với nhiều làng nghề truyền thống; Năm 2010 UBND tỉnh đã trao bằng công nhận cho 5 làng nghề: Bãi Hu, Đức Phú, Phúc Tài, Tân ấp 1, Quân Cay; tại Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất Thái Nguyên - Việt Nam 2011 cả 5 làng nghề của xã Phúc Thuận dự thi đều đạt giải.
 
Trao đổi với ông Vũ Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận được biết: Những năm gần đây, được sự quan tâm, hỗ trợ của phòng nông nghiệp huyện và dự án QSEAP đã phổ biến cho người dân về kỹ thuật chăm sóc, chế biến chè theo tiêu chẩn VietGap nên năng xuất và chất lượng chè được nâng cao, làm tăng giá trị và hiệu quả kinh tế từ cây chè, song giá trị thương phẩm của chè Phúc Thuận vẫn còn thấp chưa tương xứng với chất lượng và công sức người lao động bỏ ra; nguyên nhân chính là do chè Phúc Thuận chưa có thương hiệu nên việc tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn, không có thị trường ổn định, chủ yếu phụ thuộc vào các thương lái.
Mặc dù vùng chè Phúc Thuận khá gần với Nhà máy chế biến chè Bắc Sơn với công suất 20 tấn/ngày, sau hơn 3 năm hoạt động đã thu mua chế biến hơn 1000 tấn chè khô nhưng công ty chè vẫn phải đi thu mua, vận chuyển chè tươi từ các huyện khác về để sản xuất; qua tìm hiểu được biết có sự bất cập về giá trong việc thu mua vì có sự tranh mua giữa các thương lái với nhà máy, khi vào chính vụ sản xuất thì người sản xuất lại bị các thương lái ép giá bán, nên giá bán sản phẩm chè còn thấp, tính trung bình chỉ đạt khoảng 60.000đ/kg chè búp khô; hiện nay, việc tiêu thu chè tại địa phương cũng chưa có đơn vị nào đứng ra bao tiêu và bảo hộ sản phẩm. Với những tiềm năng, thế mạnh của vùng nguyên liệu chè Phúc Thuận có thể phát triển bền vững xứng đáng là vùng chè đặc sản của tỉnh, mang lại giá trị kinh tế cao thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp sản xuất chế biến tại địa phương và người trồng chè; đồng thời, nhà nước cần hỗ trợ thêm về giống, vốn để thay đổi giống chè cũ sang giống chè mới cho năng xuất chất lương cao; cần có những giải pháp phù hợp để mở rộng nguồn nguyên liệu sản xuất, trú trọng việc phổ biến kỹ thuật sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, mở rộng thị trường tiêu thụ mà trước hết là đầu tư xây dựng các chợ đầu mối nông sản liên vùng ở trong huyện; cần tìm kiếm khách hàng thu mua ổn định và có tiềm năng về năng lực - Tài chính để hỗ trợ xây dựng Thương hiệu cho sản phẩm chè Phúc Thuận.
Mặt khác, địa phương cần phát huy nội lực và kêu gọi sự hỗ trợ của nhà nước, doanh nghiệp để xây dựng và thương hiệu cho sản phẩm chè Phúc Thuận, tiếp tục đẩy mạnh và phát huy văn hóa truyền thống làng nghề chè, tăng cường công tác quảng bá giới thiệu để sản phẩm chè Phúc Thuận được nhiều người biết đến./.


Nguồn: thainguyen.gov.vn

1 nhận xét:

  1. Điều kiện về khí hậu và thổ nhưỡng của vùng chè Phúc Thuận cũng khá tương đồng với chiến lược phát triển của ngành nong nghiep thái nguyên Tại đây có những đồi chè, vườn chè cao sản, những vườn chè thái nguyên lai cho năng suất cao và chất lượng tốt, hội tụ đủ các yếu tố đảm bảo phát triển bền vững cho một vùng che thai nguyen

    đặc sản của huyện Phổ Yên.

    Trả lờiXóa